Đạo Văn

1.Thế nào là đạo văn?

Theo wikipedia, đạo văn là việc sử dụng ý tưởng và bài viết của người khác làm cho người đọc hiểu nhầm rằng đó là ý tưởng và bài viết của người trình bày.

Đạo văn là một nhánh về việc vi phạm bản quyền. Trong nghệ thuật thì có đạo nhạc, trong công nghệ thì có đạo ý tưởng, trong thời trang thì có đạo thiết kế.  Nói chung, xài chùa được gì là lấy mà xài, thấy không ai la thì im luôn. Đó là đạo văn.

Người viết dùng bài viết và ý tưởng của người khác sẽ không bị gọi là đạo văn nếu chỉ dùng giới hạn ở mục đích cá nhân. Có nghĩa là, người viết không công khai bài viết đạo văn vì tiền, hay vì bằng cấp.

2.Đạo văn – con đường từ không chuyên đến chuyên nghiệp

Đó là từ trên ghế nhà trường, chúng ta sao chép bài của bạn học. Lên lên chút nữa thì sao chép công trình khoa học, bài viết của người khác thành của mình để nộp luận văn thạc sĩ, tiến sĩ hay xuất bản sách.

Càng nổi tiếng, càng thu nhiều tiền từ một công trình thì càng nhiều người soi mói để xem có đạo văn đâu không. Chỉ cần một câu, một ý của người khác là coi như xong đời cô lựu, sự nghiệp của người viết.

Dẫn chứng cụ thể đây, Truyện Kiều của Đại danh hào Nguyễn Du. Theo sách Ngữ Văn lớp 10 tập 2 có ghi rằng, cụ Nguyễn Du có dựa trên tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện của nhà văn Trung Quốc, Thanh Tâm Tài Nhân. Xét ở thời điểm hiện nay, nếu cụ Nguyễn Du có đề cập đến việc Truyện Kiều dựa vào tiểu thuyết của TTTN thì chắc ông Nhân sẽ đòi tiền bản quyền vì Truyện Kiều quá ư là nổi tiếng.  Còn nếu cụ Nguyễn Du không đề cập đến bác Nhân đây thì thôi rồi cụ Nguyễn Du ơi, cái này là mất hết sự nghiệp cụ nhá. Rất may là, dù chuyện đã xảy ra thế nào thì thời đó vẫn chưa có phổ biến chuyện bản quyền.

3.Tiến đến một xã hội văn minh toàn diện

Truyện của cụ Nguyễn Du là lúc đó người ta chưa văn minh bằng bây giờ. Thời nay, không chỉ ăn cắp của cải là phạm tội mà ăn cắp ý tưởng cũng là phạm tội luôn. Ngay từ nhỏ, trẻ em cần được dạy tính tự lập, sáng tạo, và phải biết đạo văn là xấu thế nào. Các nhà xuất bản thì phải dẹp ngay văn mẫu, thay vào đó là sách truyền ý tưởng hoặc gợi ý cho người viết.

Còn mấy cô mấy thầy làm đề thi văn ở Bộ/ Sở GD thì làm ơn cho cái đề nó mở mở, có tình người, và thực tế một chút. Chứ nếu không thì chẳng khác gì mấy thầy cô khuyến khích nạn đạo văn ở nước ta.

Bản thân tui cũng có kỷ niệm về đề thi văn của sở GD. Chuyện là năm lớp bảy hay tám gì đó, thi học kì, sở cho cái đề em hãy thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở địa phương. Đọc cái đề thi xong là muốn tổ cha cái người ra đề. Phải chi thuyết minh cái điện thoại nokia (phổ biến nhất thời đó), hay một món ăn thì còn làm được. Cái này, lớp 7/8 cho dù có đi tới một địa điểm nổi tiếng rồi thì cũng chả có nhớ những chi tiết ngày/tháng/năm hay diện tích quy mô của một công trình đâu. Gặp cái đề này, không những vừa phải đạo văn mà phải đúng hộc tủ, văn mẫu mới có cơ hội sống sót. Nhưng mà lúc đó tui nhát lắm, có dám đem bùa theo đâu, tui tả cây cầu Mỹ Thuận, chỉ biết nó là mối tình hữu nghị giữa một ngoại quốc với VN và khánh thành vào đầu thế kỉ 21 và với tuyệt chiêu chém gió, cũng đủ điểm đậu. Mừng húm.

4.KHOA HỌC ĐƯỜNG PHỐ nói không với đạo văn cho dù chỉ thử một lần

  • Nếu bạn viết bài trên KHDP mà không chắc ý tưởng của mình có thật sự là của mình không, hay do bạn đọc một bài viết hay đâu đó rồi cứ nghĩ rằng là của mình thì làm ơn lên mạng kiểm tra cho chắc ăn. Chỉ cần bạn trích dẫn nguồn từ bài viết có ý tưởng bạn mượn thì bạn sẽ an toàn.
  • Số lượng lần và nguồn trích dẫn là có giới hạn. Còn việc ít nhiều bao nhiêu thì ban biên tập sẽ dùng quyền hạn và hiểu biết để quyết định.
  • Một phần kiến thức phổ thông được dùng không giới hạn và không cần trích dẫn. Vd: Định luật 2 Newton.

Nội dung trên KHOA HỌC ĐƯỜNG PHỐ (khoahocduongpho.com) được đăng kí bản quyền theo tiêu chuẩn Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Mọi hành động sao chép cố ý hay vô ý đều vi phạm pháp luật. Vui lòng dùng liên kết link bài viết nếu bạn muốn chia sẻ từ website này.

Thưa cụ Nguyễn Du ở nơi suối vàng, cụ có hiển linh thì phù hộ cho giới trẻ ngày nay biết tôn trọng sức lao động của mình bằng việc tôn trọng sức lao động của người khác đầu tiên. Chúng con xin cám ơn cụ.

 

1 bình luận về “Đạo Văn

Bình luận về bài viết này